WELCOME TRUNG TÂM TTTMQT TIỀN GIANG ( TGAC) Hotline: 0903 636 624 Mr Nguyên - Email: nguyenceo@tgac.com.vn
QUY TẮC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
Bộ quy tắc tố tụng trọng tài
4/6/202571 phút đọc
BỘ TƯ PHÁP
TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG
QUY TẮC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
Tiền Giang, Tháng 4 năm 2025
QUY TẮC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
1.1. Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang (“Quy tắc”) được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang (TGAC).
1.2. Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang được áp dụng để giải quyết các tranh chấp khi các bên thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bởi Trung tâm hoặc tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài theo Quy tắc tố tụng, các bên được xem là đã đồng ý thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo Quy tắc này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
2.1. “Trung Tâm” là Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang.
2.2. “Danh sách Trọng tài viên” là Danh sách Trọng tài viên của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang
2.3. “Hội đồng Trọng tài” là Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc này, gồm ba Trọng tài viên hoặc một Trọng tài viên duy nhất.
2.4. “Tranh chấp có yếu tố nước ngoài” là tranh chấp được xác định là tranh chấp có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2.5. “Nguyên đơn” bao gồm một hoặc nhiều Nguyên đơn.
2.6. “Bị đơn” bao gồm một hoặc nhiều Bị đơn.
Điều 3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang.
Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang giải quyết các loại tranh chấp sau:
3.1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
3.2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3.3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài thương mại.
3.4. Tranh chấp giữa các bên khi có thỏa thuận trọng tài nhưng không xác định được Trung tâm trọng tài hoặc Trung tâm trọng tài không còn tồn tại.
Điều 4. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
4.1. Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam.
4.2. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.
4.3. Trong mọi trường hợp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét các điều khoản của hợp đồng nếu có để giải quyết tranh chấp.
4.4. Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng tập quán thích hợp để giải quyết tranh chấp.
Điều 5. Địa điểm trọng tài
5.1. Địa điểm trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, Hội đồng Trọng tài quyết định địa điểm mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.
5.2. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành các phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại bất kỳ nơi nào mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Điều 6. Ngôn ngữ trọng tài
6.1. Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt.
6.2. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, ngôn ngữ trọng tài do Hội đồng Trọng tài quyết định, có tính đến các yếu tố liên quan bao gồm ngôn ngữ của hợp đồng.
6.3. Nếu tài liệu được lập bằng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ trọng tài thì Hội đồng Trọng tài hoặc Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang, trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, có thể yêu cầu một bên hoặc các bên cung cấp bản dịch.
Điều 7. Tranh chấp từ nhiều hợp đồng
Các yêu cầu khởi kiện phát sinh từ hoặc liên quan đến nhiều hơn một hợp đồng có thể được gộp trong một Đơn khởi kiện để được giải quyết trong một vụ tranh chấp, cho dù các yêu cầu đó được lập trên cơ sở một hoặc nhiều thỏa thuận trọng tài. Thẩm quyền quyết định thuộc về Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang
Điều 8. Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp
8.1. Các bên có thể thỏa thuận gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp. Thẩm quyền quyết định thuộc về Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang
8.2. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, các vụ tranh chấp được gộp vào vụ tranh chấp có tố tụng trọng tài bắt đầu trước tiên.
Điều 9. Số lượng Trọng tài viên giải quyết tranh chấp
9.1. Tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất hoặc ba Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
9.2. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Điều 10. Bắt đầu tố tụng trọng tài
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, tố tụng trọng tài bắt đầu từ ngày Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn theo quy định tại Điều 14 của Quy tắc này.
Điều 11. Việc gửi thông báo, tài liệu; cách tính thời hạn
11.1. Thông báo, tài liệu do một bên gửi tới Trung tâm phải đủ số bản để Trung tâm gửi tới thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, tới bên kia một bản và lưu một bản.
11.2. Thông báo, tài liệu được Trung tâm gửi tới các bên theo địa chỉ được các bên cung cấp và có thể gửi bằng cách giao trực tiếp, thư bảo đảm, fax, thư điện tử hoặc bằng bất kỳ phương thức nào khác có ghi nhận việc gửi này.
11.3. Thông báo, tài liệu do Trung tâm gửi tới các bên được coi là đã nhận vào ngày mà các bên đã nhận, hoặc được coi là đã nhận vào ngày giao nếu thông báo, tài liệu đó được gửi phù hợp với khoản 2 Điều này.
11.4. Thời hạn quy định trong Quy tắc này bắt đầu được tính từ ngày tiếp theo của ngày mà thông báo, tài liệu được coi là đã nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này. Nếu ngày tiếp theo không phải là ngày làm việc theo quy định tại nơi nhận thì thời hạn này bắt đầu được tính từ ngày làm việc đầu tiên tiếp theo; nếu ngày cuối cùng của thời hạn không phải là ngày làm việc theo quy định tại nơi nhận thì thời hạn này kết thúc vào cuối ngày làm việc đầu tiên tiếp theo. Những ngày không phải là ngày làm việc trong thời hạn được tính vào thời hạn.
Điều 12. Tham gia tố tụng trọng tài
12.1. Các bên có thể tham gia trực tiếp hoặc ủy quyền hợp lệ cho người đại diện tham gia tố tụng trọng tài.
12.2. Hội đồng Trọng tài , nếu Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ chứng minh thẩm quyền của người tham gia tố tụng trọng tài.
Điều 13. Mất quyền phản đối
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của pháp luật về trọng tài hoặc của Quy tắc này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm đó trong thời hạn do pháp luật liên quan hoặc Quy tắc này quy định, thì mất quyền phản đối.
Đối với các trường hợp không quy định thời hạn phản đối, việc phản đối phải được đưa ra chậm nhất trước thời điểm Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết vụ tranh chấp là phiên họp cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn.
Điều 14. Đơn khởi kiện
14.1. Một bên muốn khởi kiện ra Trung tâm phải gửi Đơn khởi kiện tới Trung tâm.
14.2. Đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
14.2.1.Ngày, tháng, năm lập đơn khởi kiện;
14.2.2.Tên, địa chỉ của các bên;
14.2.3.Tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
14.2.4.Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
14.2.5.Cơ sở khởi kiện;
14.2.6.Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khởi kiện cụ thể của nguyên đơn;
14.2.7.Tên Trọng tài viên được Nguyên đơn chọn hoặc yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại Điều khoản 1 Điều 18 của Quy tắc này;
14.2.8.Chữ ký của Người đại diện theo pháp luật hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân Nguyên đơn hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân.
14.3. Kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
14.4. Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
Điều 15. Gửi Thông báo và Đơn khởi kiện
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày TGAC nhận được Đơn khởi kiện, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Quy tắc này, TGAC gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện và các tài liệu có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn.
Điều 16. Bản tự bảo vệ
16.1. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang Bản tự bảo vệ các nội dung sau:
16.1.1.Ngày, tháng, năm lập Bản tự bảo vệ;
16.1.2.Tên và địa chỉ của Bị đơn;
16.1.3.Tên và địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
16.1.4.Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ;
16.1.5.Tên của Trọng tài viên được Bị đơn chọn hoặc yêu cầu Trung tâm Trọng tài chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Quy tắc này.
16.1.6.Chữ ký của Người đại diện theo pháp luật hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân Bị đơn hoặc Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.
Trường hợp Bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ phản đối trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ phản đối trong Bản tự bảo vệ, Bị đơn mất quyền phản đối, trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Trọng tài viên.
16.2. Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 15 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều này.
16.3. Theo yêu cầu của Bị đơn, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ của Bị đơn có thể được Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang gia hạn căn cứ vào từng trường hợp cụ thể nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và gửi tới Trung tâm trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
16.4. Bản tự bảo vệ và các tài liệu kèm theo phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
16.5. Trường hợp Bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn quy định tại Điều này, tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành.
Điều 17. Đơn kiện lại của Bị đơn
17.1. Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn. Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại phải bằng văn bản riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ:
17.2. Đơn kiện lại phải bao gồm có các nội dung chủ yếu sau đây:
17.2.1.Ngày, tháng, năm lập đơn;
17.2.2.Tên và địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
17.2.3.Tên và địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
17.2.4.Tóm tắt nội dung vụ kiện lại;
17.2.5.Cơ sở kiện lại;
17.2.6.Trị giá của vụ kiện lại và các yêu cầu cụ thể khác của Bị đơn.
17.2.7.Chữ ký của Người đại diện theo pháp luật hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân Bị đơn hoặc Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.
17.3. Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo phải lập đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
17.4. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang nhận được Đơn kiện lại, các tài liệu kèm theo và phí trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Quy tắc này, Trung tâm gửi tới Nguyên đơn Thông báo, Đơn kiện lại và các tài liệu liên quan.
17.5. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo do Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang gửi, Nguyên đơn phải gửi tới Trung tâm Trọng tài Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại. Bản tự bảo vệ phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
17.6. Theo yêu cầu của đơn khởi kiện lại, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ của Nguyên đơn đối với Đơn kiện lại có thể được Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang gia hạn căn cứ vào từng trường hợp cụ thể nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 5 Điều này. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và gửi tới Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang trong thời hạn quy định tại khoản 5 Điều này.
17.7. Đơn kiện lại được giải quyết bởi chính Hội đồng Trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện của Nguyên đơn và được giải quyết đồng thời với Đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
Điều 18. Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên
18.1. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Nguyên đơn phải chọn hoặc yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp vụ tranh chấp có nhiều Nguyên đơn thì các Nguyên đơn phải thống nhất chọn một Trọng tài viên và phải thông báo , hoặc thống nhất yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp người được chọn làm Trọng tài viên không có tên trong Danh sách Trọng tài viên, Nguyên đơn phải thông báo cho Trung tâm Trọng Tài thông tin liên lạc của Trọng tài viên này.
Trong trường hợp Nguyên đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên cho Nguyên đơn.
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Bị đơn phải chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên và phải thông báo cho Trung tâm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan. Trong trường hợp có nhiều Bị đơn thì các Bị đơn phải thống nhất chọn một Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên và phải thông báo cho Trung tâm.
Trường hợp Bị đơn yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Trọng tài viên, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên cho Bị đơn.
Trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên và không yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên cho Bị đơn. Trong trường hợp có nhiều Bị đơn, nếu các Bị đơn không thống nhất chọn một Trọng tài viên hoặc không thống nhất yêu cầu Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên trong thời hạn 15 ngày nêu trên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên thay cho các Bị đơn.
18.2. Chủ tịch Hội đồng Trọng tài
18.2.1.Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Trọng tài viên của Bị đơn nhận được thông báo được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, các Trọng tài viên được chọn hoặc được chỉ định phải bầu Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và thông báo cho Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang
18.2.2.Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Điều này mà Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang không nhận được thông báo bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc thông báo về việc bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài không thực hiện được, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
18.3. Trường hợp chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và Điều 19 của Quy tắc này, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang cân nhắc các tiêu chuẩn cần thiết của Trọng tài viên theo thỏa thuận của các bên nếu có và theo Quy tắc này, đồng thời cân nhắc lựa chọn Trọng tài viên có đủ thời gian để giải quyết vụ tranh chấp hiệu quả.
18.4. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài được thành lập theo quy định của Điều này và Điều 19 của Quy tắc này, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang phải thông báo bằng văn bản cho các bên về việc thành lập Hội đồng Trọng tài.
Điều 19. Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất
19.1. Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do Trọng tài viên duy nhất giải quyết, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm Trọng tài trong thời hạn này. Trong trường hợp người được các bên chọn làm Trọng tài viên duy nhất không có tên trong Danh sách Trọng tài viên, các bên phải thông báo cho Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang thông tin liên lạc của Trọng tài viên này.
19.2. Trường hợp các bên yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang chỉ định Trọng tài viên duy nhất, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên duy nhất cho các bên.
19.3. Trường hợp Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang không nhận được thông báo của các bên về việc chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 15 ngày nêu trên.
Điều 20. Rút Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Bản tự bảo vệ và Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại
20.1. Trước khi Hội đồng Trọng tài ban hành Phán quyết trọng tài, các bên có quyền rút Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung, Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung.
20.2. Các bên có thể sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Bản tự bảo vệ và Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại trước thời điểm kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp. Việc sửa đổi, bổ sung phải được lập thành văn bản đủ số bản theo quy định của Quy tắc này. Hội đồng Trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng các sửa đổi, bổ sung đó bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra Phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp.
Điều 21. Quy định chung đối với Trọng tài viên
21.1. Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên và trong quá trình tố tụng trọng tài, người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên phải thông báo kịp thời cho Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự vô tư, độc lập và khách quan của mình để thông báo cho các bên.
21.2. Trọng tài viên không được hành động như là luật sư của bất kỳ bên nào.
21.3. Người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên không được làm Trọng tài viên trong các trường hợp sau:
21.3.1.Là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên.
21.3.2.Có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp.
21.3.3.Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất kỳ bên nào trong chính vụ tranh chấp đang được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Tiền Giang, trừ khi các bên chấp thuận bằng văn bản.
21.3.4.Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, độc lập hoặc không khách quan.
21.3.5.Không đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể mà các bên đã thỏa thuận.
21.3.6.Không đáp ứng tiêu chuẩn theo pháp luật trọng tài được áp dụng.
21.4. Trong quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với bất kỳ bên nào; không bên nào được gặp hoặc liên lạc riêng với Trọng tài viên để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.
21.5. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về tiêu chuẩn cụ thể của Trọng tài viên thì Trọng tài viên được xem là đáp ứng tiêu chuẩn đó, trừ khi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về Trọng tài viên được chọn hoặc được chỉ định, một bên có yêu cầu thay đổi Trọng tài viên với lý do Trọng tài viên đó không đủ tiêu chuẩn mà các bên đã thỏa thuận. Việc thay đổi Trọng tài viên trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Quy tắc này.
21.6. Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, Trọng tài viên phải từ chối nhận giải quyết vụ tranh chấp nếu tự xét thấy không đủ năng lực chuyên môn, thời gian, sức khỏe đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất.
Điều 22. Thay đổi Trọng tài viên
22.1. Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên nếu Trọng tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 21 của Quy tắc này.
22.2. Thông báo từ chối giải quyết vụ tranh chấp của Trọng tài viên, Đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của một bên hoặc các bên phải được gửi tới Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang bằng văn bản.
22.3. Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang quyết định.
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài quyết định. Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.
22.4. Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài hoặc Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang quyết định thay đổi Trọng tài viên, Trọng tài viên thay thế được chọn hoặc được chỉ định theo các quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Quy tắc này. Các bên không được chọn lại Trọng tài viên đã bị thay đổi, Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang không được chỉ định lại Trọng tài viên đã bị thay đổi.
Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài hoặc Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang quyết định không thay đổi Trọng tài viên thì Trọng tài viên này phải tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.
22.5. Quyết định của Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang hoặc quyết định của các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài về việc thay đổi Trọng tài viên có thể không nêu căn cứ ra quyết định. Quyết định này là cuối cùng.
22.6. Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang hoặc Hội đồng Trọng tài có thể ấn định các chi phí phát sinh từ việc thay đổi Trọng tài viên và quyết định một bên hoặc các bên phải chịu chi phí đó.
22.7. Trong trường hợp Trọng tài viên vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bị thay đổi thì việc chọn, chỉ định Trọng tài viên thay thế được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Quy tắc này.
22.8. Hội đồng Trọng tài được thành lập sau khi thay đổi Trọng tài viên có thể xem xét lại những vấn đề đã được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng Trọng tài trước đó, có tham khảo ý kiến của các bên.
Điều 23. Xem xét thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài
23.1. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính Hội đồng Trọng tài, ngay cả trong trường hợp có phản đối về sự tồn tại hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
23.2. Trước khi xem xét nội dung của vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét phạm vi thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, cho dù có hoặc không có khiếu nại của một bên về các vấn đề này. Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài xét thấy thỏa thuận trọng tài có tồn tại, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài xét thấy thỏa thuận trọng tài không tồn tại hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp.
23.3. Hội đồng Trọng tài có thể ban hành riêng Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài hoặc quyết định vấn đề thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong Phán quyết trọng tài.
23.4. Quyết định của Hội đồng Trọng tài về hợp đồng vô hiệu không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
23.5. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng Trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có quyền khiếu nại với Hội đồng Trọng tài. Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định.
Điều 24. Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng Trọng tài
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với một bên với sự có mặt của bên kia bằng hình thức thích hợp, để làm sáng tỏ tài liệu có liên quan. Hội đồng Trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.
Điều 25. Thẩm quyền thu thập chứng cứ của Hội đồng Trọng tài
25.1. Các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng Trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung tranh chấp. Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ.
25.2. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
25.3. Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Chi phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá nộp hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ. Trong mọi trường hợp, nếu chi phí giám định, định giá tài sản không được nộp đủ thì Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
25.4. Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của chuyên gia.
Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp cho chuyên gia các thông tin có liên quan, hoặc cho phép chuyên gia tiếp cận các tài liệu, hàng hóa hoặc tài sản có liên quan.
Chuyên gia phải nộp báo cáo bằng văn bản cho Hội đồng Trọng tài. Sau khi nhận được báo cáo, Hội đồng Trọng tài gửi bản sao của báo cáo đó cho các bên và yêu cầu các bên cho ý kiến bằng văn bản về báo cáo này.
Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ, và phải được nộp trong thời hạn do Hội đồng trọng tài ấn định. Trong mọi trường hợp, nếu chi phí tham vấn chuyên gia không được nộp đủ, Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
25.5. Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ nhưng vẫn không thể thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 26. Thẩm quyền triệu tập người làm chứng của Hội đồng Trọng tài
26.1. Theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.
26.2. Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng Trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt này gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng Trọng tài có thể gửi văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp giải quyết tranh chấp. Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ tranh chấp đang được giải quyết; họ và tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do cần triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt
26.3. Trong trường hợp người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt, Hội đồng Trọng tài quyết định hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp hoặc vẫn tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
Điều 27. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài
Theo yêu cầu của một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật liên quan.
27.1. Hội đồng Trọng tài có thể ban hành quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây đối với các bên tranh chấp:
27.1.1.Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
27.1.2.Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
27.1.3.Kê biên tài sản đang tranh chấp;
27.1.4.Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
27.1.5.Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
27.1.6.Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
27.2. Trường hợp một bên đã yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng Trọng tài phải từ chối. Bên yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thông báo ngay cho Hội đồng Trọng tài biết về việc yêu cầu này.
27.3. Việc yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự từ bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ tố tụng trọng tài.
27.4. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nêu rõ biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu được áp dụng, các yêu cầu cụ thể, đồng thời trình bày căn cứ cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
27.5. Theo quyết định của Hội đồng Trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra. Việc bảo đảm tài chính có thể được thực hiện bằng cách gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng Trọng tài quyết định. Hội đồng Trọng tài phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi bên yêu cầu đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài.
27.6. Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
27.7. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của một bên, Hội đồng Trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho bên yêu cầu biết.
27.8. Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng Trọng tài có quyền xem xét ra quyết định thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình tố tụng trọng tài. Hội đồng Trọng tài hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
27.8.1.Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ.
27.8.2.Bên phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu.
27.8.3.Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ được chấm dứt theo quy định của pháp luật có liên quan.
27.9. Trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 28. Thương lượng, Hoà giải
28.1. Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã thành lập, nếu các bên tự thương lượng và thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
28.2. Khi có yêu cầu hòa giải của các bên, Hội đồng Trọng tài tiến hành hòa giải. Trong trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải thành phải được lập và có chữ ký của các bên và chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 29. Đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp
29.1. Vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết trong các trường hợp sau đây:
29.1.1.Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế.
29.1.2.Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức này không được tiếp nhận và kế thừa.
29.1.3.Nguyên đơn rút Đơn khởi kiện hoặc được xem là đã rút Đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Quy tắc này, trừ trường hợp Bị đơn có đơn kiện lại.
29.1.4.Các bên thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết vụ tranh chấp.
29.1.5.Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng Trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Quy tắc này.
29.2. Trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trường hợp Hội đồng Trọng tài đã được thành lập, Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Điều 30. Phiên họp giải quyết tranh chấp
30.1. Thời gian và địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
30.2. Giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp lần thứ nhất phải được gửi cho các bên chậm nhất 15 ngày trước ngày mở phiên họp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trường hợp hoãn phiên họp, Hội đồng Trọng tài quyết định ngày mở phiên họp tiếp theo, thời hạn gửi giấy triệu tập do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
30.3. Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng Trọng tài có quyền áp dụng các biện pháp thích hợp nếu xét thấy một bên vi phạm quy định này.
Các bên có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp, đồng thời phải thông báo cho Hội đồng Trọng tài về danh sách và tư cách tố tụng của người tham dự trước ngày mở phiên họp giải quyết tranh chấp.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu hợp lý của một bên hoặc các bên, Hội đồng Trọng tài có quyền mời chuyên gia giám định, chuyên gia định giá tài sản hoặc chuyên gia khác theo quy định tại Điều 25 của Quy tắc này tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.
30.4. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trực tuyến thích hợp nếu các bên lựa chọn hình thức này hoặc do hội đồng Trọng tài Quyết Định.
30.5. Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, nếu xét thấy các bên không còn tài liệu, chứng cứ liên quan để cung cấp hoặc không còn nội dung nào của vụ tranh chấp cần làm rõ, Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết tranh chấp là phiên họp cuối cùng. Hội đồng Trọng tài không có nghĩa vụ xem xét bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ bổ sung nào sau khi kết thúc phiên họp cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều 31. Hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp
31.1. Trong trường hợp có lý do chính đáng, một bên hoặc các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp. Yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp phải bằng văn bản, nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ và được gửi đến Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang. chậm nhất 07 ngày trước ngày mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Bên yêu cầu hoãn phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có.
Hội đồng Trọng tài xem xét, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hoãn và thông báo cho các bên.
31.2. Trong trường hợp có trở ngại khách quan hoặc có phát sinh tình tiết mới mà Hội đồng Trọng tài nhận thấy cần làm rõ, Hội đồng Trọng tài có thể hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp và kịp thời thông báo cho các bên.
31.3. Thời hạn hoãn phiên họp do Hội đồng Trọng tài quyết định.
Điều 32. Việc vắng mặt của các bên
32.1. Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì được xem là đã rút Đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu Bị đơn có yêu cầu hoặc có Đơn kiện lại.
32.2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì Hội đồng Trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có trong hồ sơ.
32.3. Trong trường hợp có Đơn kiện lại, nếu Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì được xem là đã rút Đơn kiện lại. Trường hợp này, Hội đồng Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết Đơn kiện lại khi Nguyên đơn có yêu cầu.
32.4. Trong trường hợp theo yêu cầu các bên, Hội đồng Trọng tài có thể căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên.
32.5. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp khi có một bên yêu cầu được vắng mặt.
Điều 33. Nguyên tắc lập Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng trọng tài
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng Trọng tài được lập bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Nếu không đạt được đa số, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng Trọng tài được quyết định bởi Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Điều 34. Phán quyết Trọng tài
34.1. Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
34.1.1.Ngày, tháng, năm và địa điểm ban hành Phán quyết trọng tài;
34.1.2.Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
34.1.3.Tên các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất;
34.1.4.Tóm tắt tiến trình tố tụng trọng tài;
34.1.5.Tóm tắt Đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp; tóm tắt Bản tự bảo vệ; tóm tắt Đơn kiện lại và các vấn đề tranh chấp;
34.1.6.Nhận định của Hội đồng Trọng tài về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp;
34.1.7.Nhận định của Hội đồng Trọng tài về nội dung vụ tranh chấp;
34.1.8.Căn cứ ban hành Phán quyết;
34.1.9.Kết quả giải quyết tranh chấp;
34.1.10. Thời hạn thi hành Phán quyết;
34.1.11. Phân bổ chi phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;
34.1.12. Chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất.
34.2. Khi có Trọng tài viên không ký vào Phán quyết trọng tài, việc này phải được ghi nhận trong Phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này, Phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.
34.3. Phán quyết trọng tài được ban hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng.
34.4. Phán quyết trọng tài phải được Hội đồng Trọng tài gửi tới Trung tâm ngay sau ngày lập.Phán quyết trọng tài được Trung tâm gửi ngay cho mỗi bên Nguyên đơn và Bị đơn 01 bản chính ngay sau khi ban hành. Các bên có quyền yêu cầu Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang cấp bản sao Phán quyết trọng tài và phải trả phí theo quy định của Trung tâm.
34.5. Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 35. Sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài; lập Phán quyết trọng tài bổ sung
35.1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài sửa chữa lỗi về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong Phán quyết trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Trường hợp Hội đồng Trọng tài xét thấy yêu cầu chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia, Hội đồng Trọng tài phải ban hành Quyết định sửa chữa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
35.2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài có thể chủ động lập Quyết định sửa chữa các lỗi quy định tại khoản 1 Điều này.
35.3. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải thích một hoặc một số nội dung không rõ ràng của Phán quyết trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Trường hợp Hội đồng Trọng tài xét thấy yêu cầu chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia, Hội đồng Trọng tài phải ban hành Quyết định giải thích trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
35.4. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài ban hành Phán quyết trọng tài bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi nhận trong Phán quyết trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Nếu Hội đồng Trọng tài xét yêu cầu này chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia, Hội đồng Trọng tài phải ban hành Phán quyết trọng tài bổ sung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
35.5. Trong trường hợp có trở ngại khách quan, Hội đồng Trọng tài có thể gia hạn việc sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài hoặc lập Phán quyết trọng tài bổ sung. Thông báo về việc gia hạn phải được gửi cho các bên.
35.6. Quyết định sửa chữa, Quyết định giải thích hoặc Phán quyết trọng tài bổ sung là một phần của Phán quyết trọng tài và phải được gửi ngay cho các bên sau khi ban hành.
35.7. Việc sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài hoặc lập Phán quyết trọng tài bổ sung được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 34 của Quy tắc này.
Điều 36. Phí trọng tài
36.1. Chi phí thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
36.2. Chi phí hành chính của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
36.3. Chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia, chi phí đi lại cho người làm chứng.
36.4. Chi phí đi lại, chi phí lưu trú và các chi phí có liên quan khác cho các Trọng tài viên trong Hội đồng Trọng tài và thư ký.
36.5. Chi phí thuê phòng họp và các chi phí liên quan đến việc tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp tại một địa điểm ngoài trụ sở của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang theo sự lựa chọn của các bên.
Điều 37. Nộp phí trọng tài
37.1. Khi nộp Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung, Nguyên đơn phải nộp toàn bộ các khoản phí trọng tài được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này. Các khoản phí này được tính theo giá trị của vụ tranh chấp quy định tại Biểu phí trọng tài của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang đang có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn. Trường hợp trong Đơn khởi kiện hoặc Đơn khởi kiện bổ sung không nêu trị giá tranh chấp thì mức phí cụ thể do Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang quyết định. Trường hợp Nguyên đơn không nộp đủ các khoản phí trọng tài trong thời hạn Trung tâm ấn định thì được xem là rút Đơn khởi kiện hoặc Đơn khởi kiện bổ sung, Nguyên đơn không mất quyền nộp lại Đơn khởi kiện hoặc Đơn khởi kiện bổ sung.
37.2. Khi nộp Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung, Bị đơn phải nộp toàn bộ các khoản phí trọng tài được nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này. Trường hợp bị đơn không nộp đủ các khoản phí trọng tài trong thời hạn Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang ấn định thì được xem là rút Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung.
37.3. Các chi phí nêu tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 36 của Quy tắc này do bên yêu cầu chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ. Trường hợp bên yêu cầu, hoặc bên được phân bổ không nộp đủ các khoản tạm ứng này trong thời hạn quy định thì Hội đồng Trọng tài tạm dừng giải quyết vụ tranh chấp. Một bên có thể nộp thay cho bên kia theo yêu cầu của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang để quá trình tố tụng được tiếp tục.
37.4. Các chi phí quy định tại khoản 1 và 2 Điều 36 của Quy tắc này phải được các bên nộp đủ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Trọng tài; Các phí quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 36 của Quy tắc này phải được các bên thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang
37.5. Theo yêu cầu của bên có nghĩa vụ nộp phí, Hội đồng trọng tài có thể gia hạn thời hạn nộp phí.
37.6. Trường hợp phát sinh các chi phí hợp lệ sau khi các bên đã nộp đủ chi phí quy định tại Điều này, bên yêu cầu hoặc bên được phân bổ có nghĩa vụ nộp bổ sung trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang
Điều 38. Quyết định về phí trọng tài và các chi phí liên quan
38.1. Hội đồng Trọng tài quyết định việc phân bổ phí trọng tài cho các bên và phải được ghi nhận trong phán quyết trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
38.2. Trường hợp hòa giải thành theo khoản 2 Điều 28 của Quy tắc này, mỗi bên chịu 50% mức phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
38.3. Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định một bên phải chịu toàn bộ hoặc một phần chi phí pháp lý và chi phí hợp lý khác của bên kia.
Điều 39. Thủ tục rút gọn
39.1. Vụ tranh chấp có thể được giải quyết theo Thủ tục rút gọn, nếu các bên có thỏa thuận áp dụng Thủ tục rút gọn.
39.2. Khi tiến hành Thủ tục rút gọn, các quy định sau được áp dụng:
39.2.1. Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp theo Thủ tục rút gọn gồm Trọng tài viên duy nhất, Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
39.2.2.Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã thành lập theo Thủ tục thông thường trong quá trình tố tụng trước đó, Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp theo Thủ tục rút gọn chính là Hội đồng Trọng tài đã được thành lập.
39.2.3.Hội đồng Trọng tài hoặc Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc Tế Tiền Giang, trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa thành lập, có thể rút ngắn bất kỳ thủ tục nào được quy định trong Quy tắc này.
39.2.4.Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức hội nghị từ xa, hội nghị truyền hình hoặc các hình thức thích hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên.
39.3. Khi các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo Thủ tục rút gọn, Thủ tục rút gọn được áp dụng ngay cả trong trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung trái ngược với các điều kiện của Thủ tục rút gọn.
Điều 40. Điều khoản chung
40.1. Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang không tự giải quyết các vụ tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài.
40.2. Đối với các vấn đề không được quy định trong Quy tắc này, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang và Hội đồng Trọng tài có quyền hành động theo tinh thần của Quy tắc này và nỗ lực giải quyết vụ tranh chấp một cách công bằng và hiệu quả.
40.3. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài có thể ủy quyền cho một Phó Chủ tịch ban hành các quyết định thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài được quy định trong Quy tắc này.
40.4. Thư ký Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang có nhiệm vụ thực hiện các công việc trong quá trình tố tụng trọng tài theo Quy tắc này, thừa lệnh các hội đồng trọng tài và theo quy định của Trung tâm.
40.5. Trung tâm có thể ủy quyền cho các Chi nhánh thực hiện các công việc của Trung tâm được quy định trong Quy tắc này.
PHỤ LỤC 1
BIỂU PHÍ TRỌNG TÀI VÀ BIỂU PHÍ HÀNH CHÍNH CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG
I. Cơ sở tính phí trọng tài
1. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại có nêu trị giá vụ tranh chấp:
1.1. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên, phí trọng tài và phí hành chính được tính như sau:
Đơn vị tính: VND
Trị giá tranh chấp
Phí trọng tài
Phí hành chính
Dưới 300.000.000
20.000.000
5.000.000
Từ 300.000.000 đến 500.000.000
20.000.000 + 6 % của phần trị giá tranh chấp vượt quá 300.000.000
5.000.000
Từ trên 500.000.000 đến 1.000.000.000
30.000.000 + 5% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 500.000.000
5.000.000
Từ trên 1.000.000.000 đến 5.000.000.000
50.000.000 + 4% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 1.000.000.000
7.000.000
Từ trên 5.000.000.000 đến 10.000.000.000
250.000.000 + 2% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 5.000.000.000
10.000.000
Từ trên 10.000.000.000 đến 50.000.000.000
350.000.000 + 1% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 10.000.000.000
12.000.000
Từ trên 50.000.000.000 đến 100.000.000.000
700.000.000 + 0,3% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 50.000.000.000
30.000.000
Từ trên 100.000.000.000 đến 500.000.000.000
800.000.000 + 0,25% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 100.000.000.000
50.000.000
Từ trên 500.000.000.000
2.000.000.000 + 0,2% của phần trị giá tranh chấp vượt quá 500.000.000.000
80.000.000
* Ghi chú: Các mức phí trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
1.2. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài là Trọng tài viên duy nhất, mức phí trọng tài bằng 70% của phí trọng tài nêu tại Mục 1.1 trên đối với cùng trị giá vụ tranh chấp.
1.3. Trị giá vụ tranh chấp bằng ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá chuyển khoản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK) tại thời điểm nộp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại.
2. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại không nêu trị giá vụ tranh chấp thì Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang quyết định phí trọng tài căn cứ vào tính chất của vụ tranh chấp, thời gian giải quyết vụ tranh chấp và số lượng Trọng tài viên.
3. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại vừa có yêu cầu nêu trị giá vừa có yêu cầu khác không nêu trị giá thì phí trọng tài đối với các yêu cầu nêu trị giá được tính theo Mục 1, phí trọng tài đối với yêu cầu không nêu trị giá được tính theo Mục 2 nêu trên.
4. Phí trọng tài nêu tại Mục 1, 2 và 3 trên đây không bao gồm: chi phí đi lại, lưu trú và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên và thư ký phiên họp giải quyết vụ tranh chấp; chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia và chi phí cho các trợ giúp khác.
5. Các quy định tại Mục 1, 2, 3 và 4 nêu trên cũng áp dụng đối với Đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung có điều chỉnh tăng về trị giá của vụ tranh chấp hoặc đối với Đơn kiện lại sửa đổi, bổ sung có điều chỉnh tăng về trị giá của vụ kiện lại.
Trường hợp có điều chỉnh giảm về trị giá của vụ tranh chấp hoặc điều chỉnh giảm trị giá của vụ kiện lại thì phí trọng tài không điều chỉnh giảm.
II. Hoàn lại phí trọng tài
1. Trong trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại được rút hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang hoàn lại 70% khoản phí trọng tài mà các bên đã nộp.
2. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Đơn sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại được rút sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang hoàn trả 40% phí trọng tài.
3. Trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Đơn sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại được rút sau khi Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang gửi Giấy triệu tập Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp và trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, Trung tâm hoàn trả 20% phí trọng tài.
4. Trường hợp Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp do thỏa thuận trọng tài không tồn tại hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang hoàn trả 30% phí trọng tài.
5. Trường hợp Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp khi có Quyết định của tòa án cho rằng tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang hoàn trả 20% phí trọng tài.
6. Trong mọi trường hợp, phí trọng tài còn lại sau khi hoàn trả không dưới 10.000.000 đồng.
7. Các trường hợp khác, phí trọng tài sẽ không được hoàn lại.
8. Trong mọi trường hợp, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang không hoàn lại khoản phí hành chính đã nộp theo Khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này.
PHỤ LỤC 2
ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI MẪU
Điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục thông thường:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp dồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG( theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.
Điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục rút gọn:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này.
Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 39 của Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm
· Ghi chú: Các bên có thể bổ sung vào điều khoản trọng tài các nội dung sau:
- Số lượng trọng tài viên là [*]
(chọn 01 hoặc 03 trọng tài viên)
- Địa điểm trọng tài là [*]
(ghi tên thành phố/ tỉnh và/ hoặc quốc gia)
- Luật áp dụng cho hợp đồng là [*]
(áp dụng cho tranh chấp có yếu tố nước ngoài)
- Ngôn ngữ trọng tài là Tiếng [*]
(áp dụng cho tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc có ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Trung tâm tTTM quốc tế Tiền Giang
Số 302/1 Khu phố Cá, Thị trấn Tân Hiệp, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang
Hotline:
ĐĂNG KÝ NHẬN THƯ TỪ TGAC
info@tgac.com.vn
0903 636 624
Copyright© 2025 By TGAC. All rights reserved.
eMAIL:
CHỌN TGAC
TRỌNG TÀI
Danh sách trọng tài viên
Hướng dẫn chọn trọng tài viên
Tin tức - sự kiện
Tuyển dụng
Góc chuyên gia
Trọng tài trực tuyến
Quy tắc đạo đức TTV
Quy tắc đạo đức thư ký TT