QUY TẮC ỨNG XỬ TRỌNG TÀI VIÊN

THUỘC TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG (TGAC)

4/6/202510 phút đọc

QUY TẮC ỨNG XỬ TRỌNG TÀI VIÊN
THUỘC TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TIỀN GIANG (TGAC)

(Ban hành theo Quyết định số …/QĐ-TGAC ngày … tháng … năm 2025 của Ban Điều hành Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Tiền Giang)

Điều 1. Quy tắc Độc lập

1.1. Trọng tài viên có nhiệm vụ giải quyết vụ tranh chấp một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không chịu tác động hoặc bị chi phối bởi tổ chức hoặc cá nhân nào theo bất kỳ cách thức nào.

1.2. Trọng tài viên phải xem xét bản chất vụ tranh chấp và biểu đạt quan điểm của mình một cách thẳng thắn với các Trọng tài viên khác trong Hội đồng trọng tài, nhằm giải quyết vụ tranh chấp một cách đúng đắn nhất.

1.3. Trọng tài viên phải tự mình nghiên cứu, đánh giá một cách cẩn trọng các tình tiết, chứng cứ để hiểu đầy đủ nội dung vụ tranh chấp. Trong trường hợp cần thiết, Trọng tài viên có thể tham vấn ý kiến của chủ tịch TGAC, các chuyên gia được mời bởi Hội đồng Trọng tài, nhưng khi quyết định phải căn cứ vào quy định pháp luật và sự thật khách quan của sự việc.

Điều 2. Quy tắc Khách quan :

2.1. Trọng tài viên phải từ chối nhận làm Trọng tài viên của vụ tranh chấp, mặc dù đã được nguyên đơn hoặc bị đơn lựa chọn hoặc đã được Chủ tịch TGAC chỉ định, trong các trường hợp sau:

2.1.1. Trọng tài viên có thành kiến với một bên hoặc các bên liên quan trong tranh chấp hoặc với nhân chứng hoặc với chính vụ tranh chấp.

2.1.2. Trọng tài viên đã bày tỏ công khai quan điểm pháp lý về vụ tranh chấp trước khi được chỉ định làm Trọng tài viên.

2.1.3. Trọng tài viên có các mối quan hệ tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình và xã hội, với một hoặc các bên liên quan trong vụ tranh chấp, mà các mối quan hệ này đem lại lợi ích vật chất, tinh thần cho Trọng tài viên hoặc bên liên quan.

2.2. Trọng tài viên phải công khai với TGAC và các bên tranh chấp mọi mối quan hệ cá nhân hoặc quan hệ kinh doanh trong quá khứ hoặc hiện tại, dù trực tiếp hay gián tiếp, với một bên hoặc đại diện của một bên hoặc với nhân chứng trong vụ tranh chấp.

2.3. Trọng tài viên có nghĩa vụ phải thông báo kịp thời cho TGAC về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự độc lập và vô tư của mình trong suốt quá trình tố tụng trọng tài.

2.4. Trọng tài viên có nghĩa vụ làm sáng tỏ mọi vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự trung lập, khách quan, độc lập của Trọng tài viên trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Việc làm sáng tỏ các vấn đề nêu trong Quy tắc này phải được lập thành văn bản theo quy định của TGAC.

2.5. Trọng tài viên không được nhận tiền hoặc những lợi ích vật chất, tinh thần từ các bên liên quan trong vụ tranh chấp, dù trực tiếp hoặc gián tiếp.

2.6. Trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với một hoặc các bên liên quan trong vụ tranh chấp để trao đổi về bất kỳ vấn đề nào trong quá trình tố tụng trọng tài.

2.7. Trọng tài viên không được dùng uy tín cá nhân hoặc hứa hẹn hoặc các biện pháp không chính đáng để lôi kéo một bên chọn mình làm Trọng tài viên.

2.8. Trọng tài viên được các bên lựa chọn hoặc được TGAC chỉ định không được làm Trọng tài viên quá 03 lần cho cùng một nguyên đơn hoặc cùng một bị đơn trong thời hạn 36 tháng.

Điều 3. Quy tắc Công bằng

3.1. Trọng tài viên phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho tất cả các bên trong việc trình bày quan điểm về các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.

3.2. Trọng tài viên chỉ bày tỏ ý kiến về vụ tranh chấp sau khi đã xác minh, đánh giá đầy đủ chứng cứ và nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ tranh chấp.

3.4. Trọng tài viên phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, trừ trường hợp nội dung thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội.

Điều 4. Quy tắc Không nhận thù lao và thanh toán chi phí từ các bên tranh chấp :

4.1. Khi chấp thuận làm Trọng tài viên trong vụ tranh chấp, Trọng tài viên đồng ý với quy định trả thù lao và thanh toán chi phí Trọng tài viên theo Quy chế thù lao Hội đồng trọng tài thuộc TGAC.

4.2. Trọng tài viên không được phép thỏa thuận với bất kỳ bên liên quan nào về thù lao hoặc chi phí bổ sung.

Điều 5. Quy tắc Tận tâm và nỗ lực cao nhất

5.1. Trọng tài viên phải từ chối nhận giải quyết vụ tranh chấp nếu Trọng tài viên xét thấy không đủ năng lực chuyên môn, thời gian, sức khỏe. Khi chấp thuận làm Trọng tài viên, Trọng tài viên phải làm việc cần mẫn và áp dụng mọi biện pháp nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất.

5.2. Đối với vụ tranh chấp có Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên, các Trọng tài viên có nghĩa vụ hợp tác thiện chí, thông báo đầy đủ thông tin mà mình có được cho các Trọng tài viên khác trong Hội đồng Trọng tài.

5.3. Hội đồng Trọng tài hoặc các Trọng tài viên cần tạo điều kiện, khuyến khích các bên hoà giải, đồng thời không làm chậm trễ hoặc kéo dài quá trình tố tụng.

5.4. Trọng tài viên phải nắm vững pháp luật trong lĩnh vực tranh chấp, tuân thủ Quy tắc tố tụng của TGAC. Khi chấp thuận làm Trọng tài viên, Trọng tài viên đồng ý với các quy chế và quy định của TGAC.

Điều 6. Quy tắc Bảo mật thông tin:

6.1. Trọng tài viên có nghĩa vụ bảo mật thông tin vụ tranh chấp và không được sử dụng thông tin vụ tranh chấp vào bất kỳ mục đích nào và dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

6.2. Trong quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên phải bảo mật ý kiến, quan điểm của mình và của các Trọng tài viên khác trong Hội đồng trọng tài.

6.3. Trọng tài viên không được tự ý sao chép hồ sơ, tài liệu vụ tranh chấp dưới bất kỳ hình thức nào.

6.4. Trọng tài viên có nghĩa vụ giao nộp lại cho TGAC toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ tranh chấp trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài hoàn thành việc giải quyết vụ tranh chấp.

Điều 7. Quy tắc Hành xử:

7.1. Trọng tài viên phải luôn giữ thái độ tôn trọng và chuẩn mực đối với các đương sự và các bên liên quan trong vụ tranh chấp. Trọng tài viên tuyệt đối không hành xử như là luật sư của một bên.

7.2. Trong các buổi làm việc với các bên và phiên họp giải quyết tranh chấp, Trọng tài viên không đặt những câu hỏi mang tính chất gợi ý; Trọng tài viên không bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý đối với ý kiến cúa một bên liên quan đến nội dung tranh chấp, ngoài việc đặt các câu hỏi cần thiết nhằm làm rõ ý kiến của các bên.

7.3. Trọng tài viên phải tuân thủ sự điều khiển phiên họp của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

7.4. Trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, khi cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, Trọng tài viên phải hành xử lịch sự, tôn trọng chuẩn mực.

7.5. Việc thông qua Phán quyết hoặc Quyết định của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo nguyên tắc đa số trên cơ sở quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài TGAC. Trọng tài viên không được từ chối ký vào Phán quyết, Quyết định của Hội đồng trọng tài với lý do không đồng ý với nội dung của Phán quyết, Quyết định của Hội đồng trọng tài. Việc không đồng ý của Trọng tài viên đuợc ghi nhận trong biên bản họp của Hội đồng trọng tài.Trọng tài Viên không được ghi ý kiến vào phán Quyết,Quyết định của Hội đồng trọng tài với bất kỳ lý do gì.

Điều 8. Chế tài:

8.1. Trong quá trình tố trọng tài, nếu Trọng tài viên vi phạm các Quy tắc trên, việc xử lý được thực hiện theo Quy tắc tố tụng trọng tài của TGAC.

8.2. TGAC có quyền từ chối chấp thuận Trọng tài viên đã từng vi phạm một trong các Quy tắc trên làm Trọng tài viên giải quyết tranh chấp, đồng thời thông báo cho bên chọn Trọng tài viên biết để chọn Trọng tài viên khác thay thế.

8.3. Đối với Trọng tài viên thuộc danh sách Trọng tài viên của TGAC, việc xử lý vi phạm các Quy tắc trên còn được thực hiện theo Quy chế Khen thưởng-Kỷ luật của TGAC

Điều 9. Phạm vi áp dụng

9.1. Quy tắc này áp dụng cho các Trọng tài viên thuộc các Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc Tế Tiền Giang (TGAC).

9.2. Quy tắc này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.